Mối tương quan giữa lạm phát và lãi suất nhà đầu tư nên biết

Ngày đăng: 08/01/2024

Chia sẻ:

Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, mối tương quan giữa lạm phát và lãi suất đang ngày càng được quan tâm, đặc biệt là đối với những ai làm kinh tế hoặc đầu tư. Lạm phát không chỉ ảnh hưởng đến giá trị tiền tệ mà còn là yếu tố then chốt quyết định mức độ sinh lời của các khoản đầu tư. Bài viết này First Real sẽ phân tích sâu sắc mối tương quan giữa hai yếu tố này, giúp nhà đầu tư hiểu rõ hơn về cách thức lãi suất có thể trở thành công cụ mạnh mẽ để chống lại lạm phát, từ đó đưa ra quyết định đầu tư thông minh và phù hợp.

Lạm phát là gì?

Khái niệm về lạm phát không được quy định cụ thể, nhưng có thể hiểu rằng: “Lạm phát - tiếng Anh là inflation, là tình trạng một loại hàng hóa hay dịch vụ tăng giá liên tục trong một khoảng thời gian nhất định, dẫn đến sự mất giá của một loại tiền tệ bất kỳ. Hiện tượng này xảy ra phổ biến ở các quốc gia, trong các giai đoạn phát triển kinh tế khác nhau. 

Nguồn: Internet

Có thể lấy ví dụ về lạm phát ở Việt Nam như sau: Năm 2020, anh Hùng chỉ bỏ ra 35.000 đồng để thưởng thức một tô phở. Nhưng đến đầu năm 2023, anh Hùng phải bỏ ra 50.000 đồng để ăn đúng tô phở tương tự. Như vậy, người dùng đã phải bỏ ra một số tiền lớn hơn để chi trả cho cùng 1 loại hàng hóa. Nếu nhiều loại hàng hóa đều tăng giá như vậy thì sẽ kéo lạm phát tăng lên.

→ Có thể nói, lạm phát đang phản ánh tình trạng suy giảm sức mua trên một đơn vị tiền tệ.

Các mức độ của lạm phát

Có 3 mức độ lạm phát, bao gồm:

  • Lạm phát tự nhiên: Có tỷ lệ lạm phát từ 0 - 10%/năm. Với mức độ này, các hoạt động của nền kinh tế diễn ra bình thường, ít rủi ro, đời sống của người dân ổn định.
  • Lạm phát phi mã: Có tỷ lệ lạm phát từ 10 - đến dưới 1000%/năm. Ở mức độ lạm phát này, nền kinh tế quốc gia sẽ có những biến động nghiêm trọng; đồng tiền mất giá trầm trọng khiến thị trường tài chính bị phá vỡ.
  • Siêu lạm phát: Đây là tình trạng lạm phát vô cùng nghiêm trọng với tỷ lệ lạm phát trên 1000%/năm. Khi nền kinh tế của 1 quốc gia xảy ra siêu lạm phát, thị trường tài chính sẽ lâm vào tình trạng rối loạn, thậm chí là thảm họa và rất khó để khôi phục lại trạng thái bình thường.

Lãi suất là gì?

Lãi suất là tỷ lệ phần trăm được tính dựa vào số tiền gốc (tiền vốn) gửi vào hoặc cho vay mà người nhận tiền/vay tiền phải chi trả cho người gửi tiền/cho vay tiền trong một khoảng thời gian xác định (theo tháng hoặc theo năm) được cam kết từ trước. Người gửi tiền/vay tiền có thể là cá nhân, công ty hay ngân hàng.

Lãi suất và lãi là hai khái niệm khác nhau. Lãi suất là tỷ lệ phần trăm của số tiền gốc phải trả lại khi gửi/vay tiền. Còn lãi là số tiền thực tế được nhận/phải trả được tính theo số tiền vốn ban đầu và lãi suất. Ví dụ: Nếu bạn vay 100 triệu đồng với lãi suất 10%/năm thì số tiền lãi phải trả là 10 triệu đồng cho người cho vay.

Nguồn: Internet

Lãi suất là công cụ quan trọng trong chính sách tiền tệ hiện hành. Theo đó, Ngân hàng Trung ương (NHTW) của các quốc gia sử dụng lãi suất để điều tiết chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, chẳng hạn như: lạm phát, đầu tư, thất nghiệp…

Trong trường hợp gửi tiền vào ngân hàng, bạn sẽ nhận được số lãi tương ứng với số tiền gốc trước đó. Nhìn chung, mức lãi suất thường không cố định, phụ thuộc vào sự biến động của thị trường tài chính cũng như nền kinh tế nói chung.

Mối tương quan giữa lạm phát và lãi suất trong đầu tư tài chính

Trong lĩnh vực đầu tư tài chính, lạm phát và lãi suất có mối quan hệ vô cũng chặt chẽ, cụ thể như sau:

1. Mối quan hệ tác động qua lại

Khi lãi suất của ngân hàng giảm, tỷ lệ lạm phát sẽ tăng cao. Ngược lại, khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiến hành chính sách thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất cơ bản , các ngân hàng thương mại cũng sẽ đẩy cao mức lãi suất cho vay. Điều này dẫn đến giảm nhu cầu về tiền.

Thay vì đi vay hoặc sử dụng tiền, người dân có xu hướng gửi tiền mặt vào ngân hàng để hưởng lãi suất. Trong trường hợp này, nhu cầu tiêu dùng thấp hơn và nguy cơ tăng giá hàng hóa sụt giảm đáng kể. Lượng tiền lưu thông trên thị trường ngừng tăng, ảnh hưởng tích cực đến giá trị đồng tiền quốc gia đó. Do vậy, tỷ lệ lạm phát thấp.

Một số quy luật thị trường có thể kể đến gồm:

  • Chỉ số lạm phát luôn nhỏ hơn lãi suất tiền gửi
  • Lãi suất tiền gửi luôn nhỏ hơn lãi suất cho vay

→ Lạm phát và lãi suất là hai chỉ số tài chính có mối quan hệ chặt chẽ trong đầu tư, luôn tác động qua lại, đồng thời là nguyên nhân và hệ quả của nhau.

2. Mối quan hệ cùng chiều với nhau

Theo như lý thuyết Fisher chứng minh, lạm phát và lãi suất có mối quan hệ cùng chiều với nhau. Trong đó, mức lãi suất danh nghĩa bằng tổng kỳ vọng lạm phát và giá trị lãi suất thực. Để duy trì yếu tố sau cùng, khi lạm phát tăng, lãi suất danh nghĩa cũng sẽ tăng theo. Điều này gây ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động chi tiêu và đầu tư.

Nếu tỷ lệ gia tăng vượt quá mức cho phép, Nhà nước sẽ thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ để kiểm soát lạm phát. Song song với đó, NHTW cũng đẩy cao mức lãi suất nhằm giảm cung tiền. Trong trường hợp này, doanh nghiệp sẽ hạn chế vay vốn, nhưng người dân lại được khuyến khích gửi tiền. Kết quả là giảm lượng tiền lưu thông trên thị trường, tăng giá trị tiền tệ và kìm hãm lạm phát.

Ngược lại, nếu tỷ lệ lạm phát giảm mạnh, nền kinh tế rơi vào trì trệ, Nhà nước sẽ thi hành chính sách mở rộng tiền tệ nhằm thúc đẩy sự phát triển chung. Điều này kích thích hoạt động vay vốn của doanh nghiệp, tăng cường mở rộng sản xuất kinh doanh.

→ Lạm phát và lãi suất có mối quan hệ cùng chiều rất chặt chẽ. Từ đó, hoạt động đầu tư và kinh doanh cũng chịu ảnh hưởng đáng kể. Nếu cả hai không duy trì ở trạng thái ổn định và cân bằng, nền kinh tế có nguy cơ phải đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng.

Nguồn: Internet

Vì sao lãi suất thấp hơn lạm phát?

Lãi suất thấp hơn lạm phát có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân:

  • Chính sách NHTW: Đôi khi, NHTW đặt mức lãi suất thấp để khuyến khích vay mượn, đầu tư, và tiêu dùng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
  • Kỳ vọng lạm phát: Nếu người dân và doanh nghiệp kỳ vọng lạm phát sẽ tăng cao trong tương lai, NHTW có thể giữ lãi suất thấp để tránh làm chậm sự phục hồi kinh tế.
  • Kinh tế suy thoái hoặc tăng trưởng chậm: Trong thời kỳ suy thoái hoặc khi nền kinh tế tăng trưởng chậm, NHTW có thể giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế.
  • Thị trường tài chính toàn cầu: Lãi suất cũng có thể bị ảnh hưởng bởi các điều kiện tài chính toàn cầu và dòng vốn quốc tế, nơi mà lãi suất thấp ở nước ngoài có thể làm giảm mức lãi suất trong nước.
  • Chính sách tài khóa linh hoạt: Chính sách tài khóa mở rộng với việc tăng chi tiêu của chính phủ cũng có thể gây áp lực lạm phát khiến lãi suất thực (lãi suất đã điều chỉnh theo lạm phát) giảm xuống.
  • Yếu tố cung cầu tiền tệ: Nếu cung tiền tăng nhanh hơn so với cầu tiền, có thể dẫn đến lãi suất thấp trong khi lạm phát tăng do áp lực giá cả từ việc cung tiền dồi dào.
  • Đầu tư và tiết kiệm: Mối quan hệ giữa đầu tư và tiết kiệm cũng ảnh hưởng đến lãi suất. Khi có nhiều nguồn tiết kiệm hơn là nhu cầu vay vốn, lãi suất có thể giảm.

Các yếu tố này không tồn tại độc lập mà thường liên quan chặt chẽ đến nhau và đến các điều kiện kinh tế vĩ mô khác.

Một số ví dụ thực tế về ảnh hưởng của lạm phát đến lãi suất

Ví dụ 1: Năm 2008, Việt Nam có mức lạm phát cao nhất trong lịch sử, đạt 23,1%. Để kiểm soát lạm phát NHNN tăng lãi suất cơ bản từ 8,25% lên đến 14%. Điều này làm tăng chi phí vay của người dân và doanh nghiệp, giảm nhu cầu hàng hóa và dịch vụ, và cuối cùng làm giảm lạm phát xuống còn 6,88% vào năm 2009.

Ví dụ 2: Năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, NHNN cắt giảm lãi suất cơ bản từ 6% xuống còn 4%. Điều này làm giảm lãi suất trên các khoản vay và khuyến khích người dân và doanh nghiệp vay nhiều hơn để duy trì hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, do cung tiền tăng quá nhanh so với nhu cầu, mức lạm phát bình quân của Việt Nam năm 2020 là 3,23%, cao hơn mục tiêu đề ra là dưới 4%.

Vì sao lãi suất lại thấp kỷ lục?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc lãi suất ở mức thấp kỷ lục, điển hình:

  • Chính sách tiền tệ nới lỏng: NHTW có thể giảm lãi suất để kích thích tăng trưởng kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh suy thoái hoặc chậm lại.
  • Lạm phát thấp: Khi lạm phát thấp, NHTW không cần giữ lãi suất cao để kiềm chế lạm phát.
  • Tình hình kinh tế toàn cầu: Sự bất ổn hoặc suy thoái kinh tế toàn cầu có thể dẫn đến việc giảm lãi suất.
  • Cầu vay yếu: Khi nhu cầu vay vốn giảm, các ngân hàng có thể hạ lãi suất để khuyến khích vay mượn và đầu tư.
  • Chính sách tài khóa: Chính sách tài khóa hỗ trợ hoặc kích thích có thể giảm áp lực lên NHTW để duy trì lãi suất cao.
  • Dự trữ quốc tế và dòng vốn: Sự dồi dào của dự trữ ngoại hối và các dòng vốn quốc tế cũng có thể góp phần vào việc giảm lãi suất.
  • Kỳ vọng tương lai: Kỳ vọng về tình hình kinh tế và chính sách tiền tệ trong tương lai cũng ảnh hưởng đến mức lãi suất hiện tại.

Để hiểu rõ nguyên nhân cụ thể, cần xem xét điều kiện kinh tế hiện tại và chính sách của NHTW cũng như chính phủ.

Qua bài viết này, nhà đầu tư có thể thấy rằng lạm phát có mối tương quan chặt chẽ với lãi suất, ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động kinh doanh, đầu tư. Thậm chí là đời sống của người tiêu dùng.

Ngày đăng: 08/01/2024

Chia sẻ: