Phân biệt sổ đỏ và sổ hồng đơn giản nhất

Ngày đăng: 20/12/2023

Chia sẻ:

“Sổ đỏ” và “sổ hồng” là hai loại giấy tờ quan trọng trong lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên, nhiều người vẫn gặp khó khăn khi phân biệt giữa hai loại này. Trong bài viết này, chúng ta sẽ đi vào chi tiết nhất để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về sự khác nhau giữa sổ đỏ và sổ hồng. Hãy cùng First Real tìm hiểu để tránh bị nhầm lẫn và có thể áp dụng một cách dễ dàng nhất.

Sổ đỏ, sổ hồng là gì?

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 97 Luật Đất đai 2013, các loại giấy chứng nhận được cấp theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật nhà ở, pháp luật xây dựng trước ngày 10/12/2009 vẫn có giá trị pháp lý như sau:

  • Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bìa màu đỏ).
  • Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở.
  • Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở (bìa màu hồng, gọi là sổ hồng cũ).
  • Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng.

Hiện nay, không có bất kỳ văn bản nào quy định về định nghĩa “sổ đỏ” và “sổ hồng”. Thuật ngữ sổ đỏ thường được người dân hay dùng để chỉ cụm từ “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” dựa vào màu sắc bên ngoài của giấy chứng nhận.

Cũng tương tự như sổ đỏ, sổ hồng cũng là một thuật ngữ không được công nhận theo quy định của pháp luật. Đây là tên gọi của “Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở”, mọi người thường gọi là sổ hồng vì dựa trên màu sắc của giấy chứng nhận tại đô thị (thị trấn, nội thành, nội thị xã). 

Theo Nghị định 88/2009/NĐ-CP đã thống nhất 1 loại mẫu giấy chứng nhận để cấp cho người dân với tên gọi là “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất”. Mẫu giấy Giấy chứng nhận mới có màu hồng, áp dụng thống nhất trên toàn quốc từ ngày 10/12/2009.

Song, Luật Đất đai 2013 còn quy định các loại Giấy chứng nhận được cấp trước ngày 10/12/2009 (sổ đỏ, sổ hồng cũ) không cần phải đổi sang “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất”, trừ trường hợp người dân có nhu cầu cấp đổi thì được cấp đổi.

Phân biệt sự khác nhau giữa sổ đỏ và sổ hồng

1. Cơ quan ban hành và thời gian cấp sổ

Sổ đỏ là tên gọi của “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” cấp cho người sử dụng đất để bảo hộ quyền và lợi ích  hợp pháp của người sử dụng đất, do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành trước ngày 10/12/2009 với tên gọi pháp lý là “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”.

Sổ hồng là tên gọi của “Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở” được cấp bởi Bộ Xây dựng trước ngày 10/8/2005.

→ Sau ngày 10/12/2009 (khi Nghị định 88/2009/NĐ-CP có hiệu lực), hai loại sổ trên đã hợp nhất thành một giấy chứng nhận mới có bìa màu hồng, được gọi là “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất”. 

* Tuy hợp nhất thành một, nhưng hai loại sổ trên vẫn được sử dụng cho đến tận ngày nay, có giá trị pháp lý tương đương và không bắt buộc cấp đổi sang mẫu Giấy chứng nhận mới (Sổ hồng mới).

2. Người sử dụng

Người sử dụng sổ đỏ và sổ hồng có sự khác biệt nhất định:

  • Đối với sổ đỏ thì sổ đỏ chứng minh quyền sử dụng đất và là công vụ bảo vệ quyền hạn, lợi ích của chủ sở hữu quyền sử dụng đất.
  • Đối với sổ hồng lại được sở hữu bởi chủ nhà, đồng thời là chủ sử dụng đất ở, chủ sở hữu căn hộ trong nhà chung cư.

3. Nơi và loại đất được cấp sổ

  • Sổ đỏ (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) có khu vực cấp ngoài đô thị (đất ở nông thôn, đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất nuôi trồng thủy sản và khu làm muối).
  • Sổ hồng (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất) có khu vực cấp sổ là đô thị (thành phố, thị xã, thị trấn).

→ Sổ hồng và sổ đỏ đều có giá trị pháp lý thể hiện ở tài sản được ghi nhận quyền bao gồm quyền sử dụng đối với đất và quyền sở hữu đối với nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất.

4. Đặc điểm nhận dạng

  • Sổ đỏ có bìa ngoài là màu đỏ chủ đạo, trang đầu tiên có ghi cụm từ “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”.
  • Sổ hồng có bìa ngoài là màu hồng chủ đạo, trang đầu tiên có ghi cụm từ “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất”.

Giá trị pháp lý của sổ đỏ và sổ hồng theo quy định

1. Giá trị pháp lý

Sổ đỏ và sổ hồng đều có giá trị pháp lý thể hiện ở tài sản được ghi nhận quyền bao gồm quyền sử dụng đối với đất và quyền sở hữu đối với nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất. Đồng thời, “sổ” chỉ là “giấy” ghi nhận quyền gắn liền với đất đai còn bản thân sổ thì không có giá trị độc lập.

2. Giá trị thực tế

Giá trị của những tài sản như thửa đất, nhà ở… quy định giá trị thực tế của sổ đỏ và sổ hồng.

  • Nghị định 88/2009/NĐ-CP đã quy định thống nhất hai loại giấy nêu trên thành một loại giấy chung, có tên gọi: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành.
  • Tại Luật Đất đai 2013 thì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được quy định là loại giấy cấp cho người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất theo một loại mẫu thống nhất trong cả nước.
  • Trường hợp, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở đã được cấp trước ngày 10/12/2009 khi vẫn còn giá trị pháp lý thì sẽ không phải đổi sang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
  • Nếu có nhu cầu được đổi sang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trong khi đã được cấp Giấy chứng nhận trước ngày 10/12/2009 thì vẫn sẽ được đổi.

Ngày đăng: 20/12/2023

Chia sẻ: